trang chủ tin tức xe Khám phá Vai trò quan trọng của hệ thống cân bằng điện tử ESP trên ô tô

Vai trò quan trọng của hệ thống cân bằng điện tử ESP trên ô tô

Hệ thống cân bằng điện tử ESP được đánh giá như một tiêu chuẩn mức độ an toàn trên xe giúp hạn chế tối đa các tình huống mất lái, mất thăng bằng dẫn đến các tai nạn xe nguy hiểm, cũng là một trang bị không thể thiếu trên những chiếc xe ngày nay.

Hệ thống cân bằng điện tử xe hơi ESP là gì?


Hệ thống cân bằng điện tử ESP (Electronic Stability Program) là một hệ thống an toàn trên ô tô giúp cải thiện độ ổn định của xe khi vào cua, khi tránh chướng ngại vật đột ngột hay khi chạy tốc độ cao, hạn chế nguy cơ xe bị thừa lái – thiếu láixe bị mất lái.

Hệ thống cân bằng điện tử ESP giúp cải thiện độ ổn định của xe
Hệ thống cân bằng điện tử ESP giúp cải thiện độ ổn định của xe

Trước đây, hệ thống cân bằng điện tử ESP là một trong các tính năng an toàn nâng cao, thường chỉ xuất hiện trên những dòng xe cao cấp. Tuy nhiên ngày nay ESP đã phổ biến hơn, được áp dụng rộng rãi hơn. Hiện đa phần các xe ô tô đều được trang bị ESP ngay cả với những xe bình dân như Toyota Vios, Honda City, Toyota Rush, Toyota Innova, Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga… đặc biệt kể cả xe hạng A giá rẻ như Kia MorningVinFast Fadil

Lịch sử phát triển hệ thống cân bằng điện tử bắt đầu từ những năm cuối thập niên 1980. Khi này Mercedes-BenzBMW và Toyota lần lượt giới thiệu hệ thống kiểm soát lực kéo đầu tiên của họ. Đây được xem là tiền đề cho sự phát triển hệ thống cân bằng điện tử về sau.

Đến đầu thập niên 1990, BMW hợp tác với Bosch và Continental phát triển thành công hệ thống giúp giảm mô men xoắn động cơ để tránh xe bị mất kiểm soát. Cùng thời gian đó, Mercedes-Benz và Bosch cũng đã đồng phát triển được một hệ thống tên gọi là Elektronisches Stabilitäts Programm – “Chương trình ổn định điện tử” ESP giúp kiểm soát độ trượt của xe.

Sau đó, nhiều hãng xe khác cũng đầu tư, phát triển hệ thống cân bằng điện tử cho riêng mình với nhiều tên gọi khác nhau. Tên gọi phổ biến nhất của hệ thống cân bằng điện tử là Electronic Stability Program – ESP, được các hãng như Honda, Hyundai, Kia, Suzuki, Mercedes, Audi, Volkswagen, Peugeot, Renault, Opel… sử dụng. Ngoài ra còn có các tên gọi khác như:

  • Acura: Vehicle Stability Assist – VSA
  • BMW, Jaguar: Dynamic Stability Control – DSC
  • Ferrari: Controllo Stabilita – CST
  • Ford: AdvanceTrac and Interactive Vehicle Dynamics – IVD
  • Land Rover: Dynamic Stability Control – DSC
  • Lexus, Toyota: Vehicle Stability Control – VSC
  • Maserati: Maserati Stability Program – MSP
  • MINI Cooper, Mazda: Dynamic Stability Control – DSC
  • Porsche: Porsche Stability Management – PSM
  • Subaru: Vehicle Dynamics Control Systems – VDCS
  • Volvo: Dynamic Stability và Traction Control – DSTC

Hệ thống cân bằng điện tử có tác dụng gì?


Cấu tạo hệ thống cân bằng điện tử ESP khá phực tạp bởi nó không hoạt động độc lập mà kết hợp với nhiều hệ thống khác như hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hệ thống kiểm soát lực kéo TCS, hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD… Ở góc độ này, hệ thống cân bằng điện tử ESP đóng vai trò như “hệ thống tổng”, sử dụng chung cơ cấu chấp hành với các hệ thống an toàn khác.

Cấu tạo hệ thống cân bằng điện tử ESP
Cấu tạo hệ thống cân bằng điện tử ESP

Xem thêm:

  • Những lưu ý khi sử dụng phanh ABS
  • Hệ thống phanh BA có tác dụng gì?
  • Hướng dẫn sử dụng Cruise Control đúng cách

Hệ thống cân bằng điện tử ESP sử dụng thông tin từ nhiều cảm biến như: cảm biến tốc độ ở mỗi bánh xe, cảm biến góc quay thân xe, cảm biến góc đánh lái vô lăng… Các cảm biến này sẽ truyền tín hiệu về một bộ điều khiển chính ESP Module.

Từ đây, bộ điều khiển ESP Module sẽ tính toán góc đánh lái và góc quay thân xe phù hợp với quỹ đạo chuyển động. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu sai lệch, xe không tuân theo trình điều khiển mà người lái mong muốn, ESP sẽ tác động phanh để điều chỉnh lại tốc độ quay của bánh xe. Cụ thể, ESP sẽ dùng cơ cấu chấp hành của ABS và EBD để tăng hoặc giảm áp suất dầu tác động lên xi lanh phanh của từng bánh xe. Từ đó tạo ra lực phanh chênh lệch giữa các bánh (phanh độc lập trên từng bánh) nhằm lấy lại sự kiểm soát.

Khi xe bị thiếu lái, trượt bánh trước khiến xe có xu hướng văng ngang, ESP sẽ chủ động tạo lực phanh ở bánh xe phía đối diện với hướng bị trượt. Điều này có tác dụng như một tâm quay tạo ra mô men bù lại lực trượt ngang. Nhờ đó mà xe giữ được trạng thái ổn định, di chuyển theo đúng hướng người lái dự kiến.

Khi phạt hiện xe bị dư lái, trượt bánh sau khiến xe có xu hướng văng đuôi, ESP sẽ chủ động tạo lực phanh ở bánh xe đối diện với hướng đuôi xe bị trượt. Điều này có tác dụng như một tâm quay tạo mô men bù lại, giữ xe di chuyển ổn định theo đúngq quỹ đạo.

ESP sẽ tác dụng phanh để khắc phục tình trạng xe bị thừa lái hoặc thiếu lái
ESP sẽ tác dụng phanh để khắc phục tình trạng xe bị thừa lái hoặc thiếu lái

Với một số hệ thống cân bằng điện tử cao cấp hơn, ESP có thể tác động lên cả mô men xoắn động cơ trong trường hợp lực phanh không đủ sức để ổn định xe. Khi này ESP sẽ sử dụng chung cơ cấu chấp hành của TCS để can thiệp chỉnh bướm ga hay tạm thời làm chậm thời điểm đánh lửa. Điều này giúp làm giảm mô men từ động cơ truyền xuống bánh xe. Đây chính là lý do người lái sẽ cảm thấy độ giật từ chân ga giống như độ giật từ chân phanh khi ABS hoạt động.

Cách bật/tắt cân bằng điện tử ô tô


Với xe được trang bị hệ thống cân bằng điện tử ESP, nhà sản xuất luôn bố trí một nút bật/tắt cân bằng điện tử trên vô lăng, bảng taplo hoặc bệ cần số tuỳ theo thiết kế mỗi xe. Hệ thống cân bằng điện tử thường tự khởi động khi xe lăn bánh. Trong một số trường hợp người lái có thể chủ động tắt và bật lại ESP bằng nút điều khiển này.

Nút cân bằng điện tử ô tô ESP
Nút cân bằng điện tử ô tô ESP
Đèn cân bằng điện tử ESP
Đèn cân bằng điện tử ESP

Khi nào cần tắt cân bằng điện tử?


Không phải lúc nào hệ thống cân bằng điện tử ESP cũng giúp ích cho xe. Có một số trường hợp mà người lái nên chủ động tắt cân bằng điện tử như:

Khi off road, đi vào đường bùn lầy, xe bị sa lầy

Tác dụng của cân bằng điện tử trên ô tô chủ yếu phát huy khi xe chạy tốc độ cao, vào cua hay tránh chướng ngại vật bất ngờ. Còn khi off road, đi đường bùn đất, đường cát lún hay xe bị sa lầy thì ESP sẽ không giúp ích nhiều, thậm chí còn gây cản trở.

Bởi lúc này xe thường di chuyển chậm, tốc độ 4 bánh xe không đều nhau. Trong trường hợp bánh xe dẫn động bị sa lầy sẽ gặp hiện tượng quay trơn. Nếu ESP đang hoạt động, ESP sẽ kích hoạt phanh hoặc giảm mô men để hãm bánh xe này lại. Điều này khiến xe khó thoát lầy hơn.

Khi off road, đi đường lầy lội thì nên tắt cân bằng điện tử
Khi off road, đi đường lầy lội thì nên tắt cân bằng điện tử

Ngoài ra, khi đi off road xe cần lực kéo rất lớn. Nếu rơi vào tình huống nào đó ESP vô tình can thiệp giảm công suất động cơ thì lực kéo của xe sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Khi drift xe

Drift là một kỹ thuật lái xe cố tình làm cho bánh xe trượt trơn trên đường. Khi drift, góc trượt sau lớn hơn góc trượt trước đến mức bánh trước hướng ngược chiều với hướng rẽ. Do đó nếu bật ESP xe sẽ rất khó drift vì ESP sẽ can thiệp khi bánh xe bị trượt.

Hệ thống cân bằng điện tử có cần thiết?


Hệ thống cân bằng điện tử giúp ích nhiều trong việc ổn định xe khi chạy tốc độ cao, khi lái xe đường trơnlái xe đường mưa hay khi vào cua, khi tránh vật cản đột ngột… Trang bị an toàn này cũng hỗ trợ nhiều với những người mới lái xe chưa có nhiều kinh nghiệm, phụ nữ lái xe còn yếu, thiếu bình tĩnh khi gặp huống bất ngờ… Với câu hỏi hệ thống cần bằng điện tử có cần thiết không thì sẽ tuỳ vào quan điểm, thói quen lái xe của mỗi người, đặc biệt còn tuỳ vào dòng xe sử dụng.

Ví dụ, với các dòng xe gầm cao 5 chỗ, 7 chỗ SUV, bán tải… như Toyota FortunerFord Everest, Ford Ranger… vì có trọng tâm cao nên khi vào cua, phanh gấp, đánh lái gấp… xe dễ bị mất ổn định, bánh xe mất độ bám, dẫn đến bị trượt, thậm chí bị lật. Do đó hệ thống cân bằng điện tử đóng vai trò rất quan trọng.

Hệ thống cần bằng điện tử có cần thiết không sẽ tuỳ vào dòng xe sử dụng
Hệ thống cần bằng điện tử có cần thiết không sẽ tuỳ vào dòng xe sử dụng

Ngược lại, dòng xe gầm thấp cỡ nhỏ, dung tích động cơ nhỏ, khả năng tăng tốc hạn chế… thì việc không có ESP cũng không ảnh hưởng quá lớn. Đây chính là lý do các nhà sản xuất thường cắt giảm ESP trên những dòng xe hạng A hay xe hạng A, hạng B bản thấp để giảm giá thành. Bởi đây là một trong các tính năng không thực sự cần thiết. Với những người có thói quen lái xe cẩn thận, nhất là tuân thủ đúng các nguyên tắc về tốc độ, khoảng cách… thì vẫn có thể tham gia giao thông một cách an toàn dù xe không có ESP.

Nhìn chung, hệ thống cân bằng điện tử là một trang bị nên có. Nhưng nếu không có thì cũng không nguy hiểm. Bởi lái xe an toàn hay không chủ yếu phụ thuộc vào người lái. Các tính năng an toàn như cân bằng điện tử, hay thậm chí các tính năng cao cấp hơn như cảnh báo trước va chạm, cảnh báo lệch làn đường, hỗ trợ giữ làn đường… thì cũng chỉ mang tính hỗ trợ, không thể thay thế người lái xử lý tất cả.

Có lắp thêm cân bằng điện tử cho ô tô được không?


Hệ thống cân bằng điện tử chỉ phổ biến trong vài năm gần đây. Nên với các xe ô tô cũ, nhất là dòng xe bình dân thường không có trang bị an toàn này. Ngoài ra, với xe mới, một số mẫu xe giá rẻ như Hyundai i10Toyota Wigo… hay các phiên bản giá rẻ như Kia Soluto Deluxe, Mitsubishi Attrage MT & CVT… cũng bị cắt giảm cân bằng điện tử. Điều này khiến không ít người có ý định tự “độ” cân bằng điện tử cho xe mình.

Không thể tự lắp thêm cân bằng điện tử ở ngoài, bởi tính năng này chỉ nhà sản xuất mới có thể trang bị được
Không thể tự lắp thêm cân bằng điện tử ở ngoài, bởi tính năng này chỉ nhà sản xuất mới có thể trang bị được

Theo các chuyên gia, không thể tự lắp thêm cân bằng điện tử ở ngoài. Bởi tính năng này chỉ nhà sản xuất mới có thể trang bị được. Vì cấu tạo hệ thống cân bằng điện tử rất phức tạp. Hệ thống này phải kết hợp với nhiều hệ thống khác như chống bó cứng phanh ABS, phân bố lực phanh điện tử EBD, kiểm soát lực kéo TCS… để kiểm soát điều chỉnh lực phanh, thậm chí là kiểm soát điều chỉnh cả mô men động cơ… Chưa kể xe ở mỗi hãng có cách thiết kế và bố trí khác nhau. Do đó kỹ sư thông thường sẽ không thể can thiệp và lắp thêm được.

(Nguồn: danchoioto.vn)