trang chủ tin tức xe Đánh giá xe Đánh giá Omoda C5 sắp ra mắt, liệu có cơ hội cạnh tranh phân khúc SUV hạng B

Đánh giá Omoda C5 sắp ra mắt, liệu có cơ hội cạnh tranh phân khúc SUV hạng B

Mẫu xe Omoda C5 sắp ra mắt sẽ mang đến thêm lựa chọn mới cho khách hàng Việt Nam với lợi thế về trang bị cũng như tính năng.

Tập đoàn Chery đã lên kế hoạch sẽ mang 2 thương hiệu con là Omoda và Jeacoo về Việt Nam. Trước khi chính thức mở bán, tập đoàn này tổ chức sự kiện lái thử cho giới truyền thông tại TP Hải Phòng.

Tri thức - Znews đã có cơ hội trải nghiệm mẫu xe Omoda C5, mẫu xe nằm trong kế hoạch ra mắt đầu tiên của thương hiệu Omoda tại Việt Nam. Thuộc phân khúc SUV đô thị, Omoda C5 cạnh tranh với Kia Seltos, Hyundai Creta hay "tân binh" Mitsubishi Xforce.

Kiểu dáng lạ, không gian bên trong chưa quá ấn tượng

Nếu đa phần các mẫu xe Trung Quốc khác trên thị trường thường có thiết kế vay mượn từ nhiều dòng xe khác nhau thì Omoda C5 hoàn toàn khác. Nhìn vào chiếc xe, tôi dễ dàng nhận ra đây là C5 với những đường nét riêng như lưới tản nhiệt cỡ lớn, bộ mâm 2 tone màu phối lạ mắt, đuôi xe dạng coupe thể thao...

Omoda C5 có số đo tổng thể 4.500 x 1.842 x 1.746 (dài x rộng x cao), chiều dài cơ sở 2.670 mm. Với những thông số vừa nêu, C5 có lợi thế hơn khá nhiều khi đặt cạnh những cái tên quen thuộc trong phân khúc như Kia Seltos (4.315 x 1.800 x 1.645 mm, 2.610 mm), Hyundai Creta (4.315 x 1.790 x 1.660 mm, 2.610 mm) lẫn Mitsubishi Xforce (4.390 x 1.810 x 1.660 mm, 2.650 mm). Ngoại hình của C5 có thể so sánh với một số cái tên như Hyundai Tucson hay Honda HR-V.

Nhìn thực tế bên ngoài, kiểu dáng có phần cơ bắp của C5 cũng góp phần tạo cảm giác chiếc xe trông bệ vệ hơn những đối thủ vốn có thiết kế vuông vức hơn. Điều này giúp cho C5 tạo được điểm nhấn riêng trên thị trường SUV đô thị khi hầu hết đều đang đi theo hướng góc cạnh, vuông vức.

Yếu tố về trang bị được xem là điểm mạnh của các dòng xe Trung Quốc, và Omoda C5 không ngoại lệ. Ở bên ngoài, xe có hệ thống cảm biến lẫn camera 360 độ, đèn pha LED có gương cầu hỗ trợ, la-zăng 18 inch lớn nhất phân khúc, cốp điện... Bên trong khoang lái có sạc không dây, kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây, cửa sổ trời... Tất nhiên nếu muốn có đầy đủ trang bị, người dùng phải lựa chọn phiên bản cao nhất.

Dù có chiều dài cơ sở tốt nhất phân khúc, tôi khá hụt hẫng khi ngồi vào hàng ghế phía sau trên Omoda C5. Khoảng sáng trần lẫn khoảng sáng chân khá hẹp, tôi cao 1,7 m khi ngồi vào ghế sau cảm thấy hơi bị tù túng khi phần đầu chỉ cách trần chưa đến nửa gang tay, chân cũng không cho độ duỗi thoải mái. Có lẽ thiết kế SUV Coupe của Omoda C5 buộc phải hy sinh đôi chút tính thực dụng bên trong.

Chuyển sang vị trí ghế lái, điều đầu tiên tôi bị ấn tượng là vô lăng khá to, có lẽ kích thước này phù hợp với những chiếc SUV hạng D trở lên. Khu vực bảng táp-lô cho cảm giác hiện đại nhờ loại bỏ các phím nhấn vật lý và thay bằng dạng cảm ứng đặt ẩn bên dưới khe gió điều hòa, màn hình giải trí và màn hình tốc độ cũng được liên kết với nhau tạo cảm giác liền mạch.

Nhìn chung Omoda C5 là một mẫu SUV đô thị hiện đại, thể thao và có vẻ như ưu tiên trải nghiệm lái nhiều hơn là không gian rộng rãi bên trong xe.

Lái mượt, khá ồn

Nhấn nút khởi động đặt phía sau vô lăng, khối động cơ tăng áp 1.5L rung nhẹ rồi nhanh chóng trả lại sự êm ái với vòng quay động cơ khoảng 800-900 vòng/phút. Chuyển sang số D, tôi bắt đầu trải nghiệm cảm giác lái của Omoda C5.

Omoda trang bị cho C5 2 chế độ lái: Comfort và Sport. Sự khác biệt rõ nét nhất khi chuyển đổi giữa 2 chế độ lái là độ nhạy chân ga, tất nhiên nó không quá chênh lệch như các mẫu xe thiên hướng thể thao.

Hướng đến nhóm khách hàng dùng trong đô thị, vô lăng của C5 cho cảm giác đánh lái khá nhẹ nhàng, đặc biệt là xoay trở ở tốc độ chậm. Tuy có cảm giác nhẹ nhưng vô lăng vẫn mang đến độ thật chứ không quá giả như nhiều một vài mẫu xe trên thị trường.

Thử tăng tốc lên tốc độ 60 km/h, vô lăng dần được siết cứng để cảm giác lái trở nên chắc chắn hơn. Lúc này tôi và những người ngồi phía sau bắt đầu nghe rõ hơn những tiếng ồn vọng vào khoang lái từ dưới mặt đường và khoang động cơ, âm thanh này không mấy dễ chịu nhưng vẫn có thể chấp nhận được. C5 trang bị hệ thống loa từ Sony, âm nhạc có thể là thứ giúp xe đỡ ồn hơn khi vận hành ở tốc độ cao.

Hệ thống treo trên Omoda C5 khá ấn tượng. Ở tốc độ thấp, chiếc xe mang lại cảm giác vận hành êm ái, vượt qua các gờ giảm tốc mà người ngồi sau không cảm thấy quá khó chịu. Ở tốc độ cao (hơn 120 km/h trên đường thử), C5 vẫn mang lại cảm giác chắc chắn và tự tin khi cần tăng tốc hay chuyển làn.

Ở bài tăng tốc, tôi thử đạp hết hành trình chân ga, lúc này động cơ đẩy vòng tua lên mức gần 6.000 vòng/phút và bắt đầu lao về phía trước. Do được trang bị hộp số CVT nên khả năng tăng tốc của Omoda C5 chỉ dừng ở mức vừa phải, kể cả khi đạp hết hành trình chân ga thì cấu tạo của hộp số CVT cũng không cho phép chiếc xe tăng tốc ngay lập tức.

Cũng trong bài tăng tốc này, tôi nhận ra khả năng cách âm giữa khoang lái và khoang động cơ trên C5 khá kém. Tôi có thể nghe rõ tiếng gầm rú từ động cơ mỗi khi đạp ga tăng tốc, điều này có thể tạo cảm giác phấn khích lúc ban đầu nhưng sẽ tạo sự khó chịu nếu phải nghe trong thời gian dài.

Chờ đợi giá bán

Giá bán là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của sản phẩm. Nếu muốn tạo được doanh số tốt tại Việt Nam, Omoda C5 cần tạo được sức hấp dẫn trước các đối thủ như Kia Seltos (từ 604 triệu đồng), Mitsubishi Xforce (từ 620 triệu đồng), Hyundai Creta (từ 640 triệu đồng)...

Omoda vẫn đang trong quá trình xác định giá bán phù hợp cho C5 tại thị trường Việt Nam, điều này dễ hiểu khi thương hiệu này vẫn còn quá mới mẻ với người dùng và C5 lại là mẫu xe thuộc phân khúc SUV đô thị vốn đang khá chật chội với hàng loạt cái tên đến từ Nhật Bản lẫn Hàn Quốc.

Sự thận trọng của Omoda là có cơ sở bởi nhiều hãng xe Trung Quốc đã xuất hiện tại Việt Nam trong năm 2023 nhưng phần lớn giá xe vẫn khá cao so với kỳ vọng của thị trường, đặc biệt với các thương hiệu Trung Quốc. Nhiều mẫu xe sau đó đã phải giảm giá để có thể tiếp cận được với khách hàng.

Tại thị trường Indonesia, Omoda C5 có giá bán khởi điểm 21.500 USD cho bản tiêu chuẩn và tăng lên mức 25.900 USD cho bản cao nhất. Còn ở quên nhà, Omoda C5 có giá bán dễ chịu hơn chỉ từ khoảng 13.000 USD.

Nhìn chung Omoda C5 là một mẫu xe Trung Quốc đáng lái thử và đủ sức để so sánh về độ hoàn thiện với xe Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu. Vấn đề thương hiệu và xuất xứ cũng như giá bán sẽ là việc tiếp theo mà Omoda nói riêng và các hãng xe Trung Quốc khác cần tập trung khi muốn phát triển tại thị trường ôtô Việt.

(Nguồn: znews.vn)