Những dấu hiệu cảnh báo phanh ô tô có vấn đề
Phanh ô tô là bộ phận cốt yếu đảm bảo sự an toàn của người sử dụng cũng như những người xung quanh.
Trong quá trình sử dụng lâu ngày, nếu không kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, bộ phận phanh hoạt động sẽ kém hiệu quả và phát ra những tín hiệu cảnh báo. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh ô tô đang có vấn đề và cần được xử lý.
Phát ra âm thanh kỳ lạ
Những âm thanh kỳ lạ phát ra trong quá trình di chuyển hoặc phanh xe chính là một trong những dấu hiệu cảnh báo hệ thống phanh của xe có vấn đề cần phải khắc phục.
Ví dụ âm thanh rít lên được phát ra có thể do má phanh không ăn khớp, cần được sửa chữa hoặc thay thế. Mạnh hơn có thể là âm thanh do kim loại cọ xát vào nhau. Nguyên nhân có thể do má phanh bị mòn hết, khiến kim loại tiếp xúc trực tiếp với rotor nên tạo ra tiếng kêu lớn. Nếu điều này xảy ra sẽ khiến tài xế gặp khó khăn trong việc phanh xe, để lâu có thể gây hỏng các khối quay của phanh.

Những dấu hiệu tài xế dễ nhận biết chứng tỏ hệ thống phanh ô tô đang có vấn đề. (Ảnh minh họa: Báo Lao động).
Rung xe khi phanh
Trong tình huống khẩn cấp lái xe đạp hết phanh, với những xe sử dụng chống bó cứng ABS thì cơ chế bắt - nhả liên tục sẽ khiến xe rung lên cho tới khi dừng hẳn. Nhưng nếu xe rung lên trong tình huống tương tự trên xe không có hệ thống chống bó cứng ABS thì điều này cho thấy hệ thống phanh có vấn đề.
Cảm giác xe bị lệch khi đạp phanh
Khi đạp phanh, nếu tài xế thấy xe có vẻ bị lệch đi nghĩa là quá trình đạp phanh tác động lên các bánh xe không được đều. Lúc này cần mang xe đến gara hoặc hãng để kiểm tra và khắc phục trong thời gian sớm nhất, tránh gây ảnh hưởng trong quá trình sử dụng.
Khi đạp phanh có cảm giác nặng
Một thiết bị phanh còn đảm bảo chất lượng, đang hoạt động tốt nhất thường được sự hỗ trợ của trợ lực chân không nên quá trình đạp phanh sẽ rất nhẹ và dễ dàng, không gây khó khăn cho tài xế.
Do vậy trong quá trình điều khiển phương tiện, nếu tài xế đạp phanh có cảm giác nặng, điều đó cho thấy bộ phận phanh trên xe đang gặp vấn đề. Nguyên nhân có thể là do trợ lực chân không của phanh đã bị hỏng, hoăc do đường ống dẫn dầu bị tắc và cần được sửa chữa kịp thời.
Không nhả được sau khi phanh
Tình trạng phanh không nhả, hay còn gọi là bó phanh xảy ra thường là do lò xo kéo hoặc hồi của xe bị má phanh làm hỏng. Hoặc cũng có thể do một vài nguyên nhân khác như phanh khô dầu, bộ phận xy-lanh của xe bị kẹt, thao tác khi lái xe không đúng...
Phanh xe không nhạy
Trong quá trình điều khiển phương tiện, lái xe phanh hết cỡ mà xe vẫn không dừng hẳng lại ngay lập tức, điều đó chứng tỏ hệ thống phanh xe không được ổn. Nguyên nhân có thể là do phanh thiếu dầu, có không khí lọt vào…và nhiều nguyên nhân khác nữa.
Đạp phanh bị hẫng
Biểu hiện này cho thấy phanh xe đang có vấn đề. Nguyên nhân rất đa dạng trong đó nguyên nhân chính là do xy lanh của phanh bị trầy xước hoặc bị rỗ dẫn tới việc dầu bị hồi lại mỗi khi lái xe đạp phanh.
(Nguồn: vtcnews.vn)
tin khác
- Hyundai tăng tốc cuộc cạnh tranh công nghệ pin trên xe điện
- Xe hàng hiếm Pontiac Firebird trên 50 năm tuổi của ông Đặng Lê Nguyên Vũ
- Kia Seltos được ưu đãi tới 80 triệu đồng tháng 10/2024
- Cận cảnh Kia Seltos 2024 phiên bản GT-Line Đặc biệt tại Việt Nam, giá 839 triệu đồng
- Thị trường ô tô Việt Nam sẽ đón nhận ít nhất 14 mẫu xe mới trong tháng này
- BYD lập kỷ lục mới doanh số bán xe hàng tháng vượt mốc 400.000 chiếc
- Top 3 mẫu xe SUV có khối động cơ đáng tin cậy nhất năm đều đến từ Toyota
- Giá lăn bánh kèm đánh giá chi tiết Ford Everest tháng 9/2024
- Doanh số bán xe sang tại Hàn Quốc lao dốc vì quy định mới
- Những hạng mục cần kiểm tra bảo dưỡng trên ô tô sau khi ngập nước do bão lũ?